Lễ hội yosakoi tại Kochi được
tổ chức từ ngày 8 đến 12 tháng 8 hàng năm. Trong bốn ngày lễ hội, các vũ công
yosakoi (踊り子 – odoriko) với đạo cụ múa
naruko (鳴子) tranh tài và biểu diễn tại nhiều địa điểm
trong thành phố: đường Outesuji, công viên trung tâm, Masugata và diễu hành dọc
khu phố Obiya.
Trang phục yosakoi rất đa dạng,
từ happi, yukata truyền thống đến trang phục cosplay. Trước đây, hầu hết các đội
theo trường phái truyền thống “Seichou yosakoi naruko odori”, nhưng ngày nay có
nhiều đội múa đã sáng tạo giai điệu và biên đạo động tác theo phong cách hiện đại
như rock, samba,….
Năm yếu tố đặc trưng của lễ hội
yosakoi là: naruko, trang phục, nhạc điệu, vũ đạo và xe chở nhạc (地方車 - jikatasha). Tất
cả tạo nên một lễ hội tràn ngập niềm vui mà bất cứ ai cũng có thể cảm nhận được nếu
có cơ hội tham dự. Không chỉ dành cho người dân Kochi, lễ hội yosakoi hoan
nghênh tất cả mọi người từ các tỉnh khác đến xem hay tham gia múa.
LỊCH SỬ:
Lễ hội yosakoi được Hiệp hội
công thương Kochi lên kế hoạch năm 1953 - sau khi thế chiến thứ hai kết thúc để
lại nhiều tàn dư cho cuộc sống của người dân. Thời đó, các thành viên trong Hiệp
hội đã nung nấu cho ra đời một lễ hội không thua kém lễ hội Awa-odori của tỉnh
Tokushima láng giềng. Đầu tiên, họ tìm đến sự giúp đỡ của một bậc thầy về múa
truyền thống Nhật Bản. Về phần ca từ và nhạc điệu thì nhận được sự hỗ trợ của
Takemasa Eisaku – tác giả của bài hát "Yosakoi naruko odori". Ý tưởng của Takemasa
là lễ hội yosakoi sẽ dùng naruko để tạo nét khác biệt với lễ hội Awa-odori. Sau
này naruko trở thành một trong những đặc trưng cơ bản của yosakoi. Lễ hội yosakoi
lần thứ nhất được tổ chức vào tháng 8 năm 1954. Trong hai ngày lễ hội (ngày 10
và 11 tháng 8), dữ liệu của Đài khí tượng ghi nhận đó là những ngày trời quang
đãng, trong xanh nhất trong vòng 40 năm (tính tới năm 1954).
Từ đó lễ hội yosakoi được tổ
chức mỗi năm một lần. Nhưng đến năm 1972 thì âm hưởng yosakoi truyền thống bắt
đầu thay đổi, xuất hiện những đội sáng tác vũ đạo và nhạc điệu theo phong cách samba,
rock. Nguyên nhân là Takemasa Eisaku - một trong những cha đẻ của lễ hội cho
phép phổ biến rộng rãi “Yosakoi naruko odori”, nên các đội có thể tự do chế tác
nhạc điệu. Tất nhiên vũ đạo, trang phục cũng trở nên phóng khoáng hơn. Có thể
coi đó là bước ngoặt tạo nên yosakoi ngày nay. Những hình thái mới, các biến thể
của lễ hội ngày càng được nhân rộng. Ngoài ra, nếu như thời kì đầu, các odoriko
được trả lương theo ngày thì giờ ngược lại, họ phải đóng phí tham gia. Odoriko
hồi đó hầu hết là giới trẻ, và tất cả đều là nữ. Trào lưu của thời kì này là các
ban nhạc chơi nhạc sống ngay trên thùng xe tải dẫn đầu đoàn diễu hành. Thật khó bắt
gặp đội múa nào không sử dụng nhạc sống. Từ đó chiếc xe dẫn đầu đoàn múa được đặt
tên là jikatasha, được các đội trang trí rất sặc sỡ.
Sau đó hơn một thập kỉ, có nhiều
lời phàn nàn rằng lễ hội quá ồn ào và làm mất vệ sinh đường phố. Ban tổ chức đã
nỗ lực giải quyết từng vấn đề để xây dựng hình ảnh về một lễ hội đẹp như ngày nay. Gần đây, các đội hầu như cũng không chơi nhạc sống nữa mà thay thế bằng
các thiết bị âm thanh đặt trên jikatasha. Nhạc điệu cũng trở lại với phong cách
thuần Nhật với âm sắc của sáo, trống hay shamisen (một loại đàn truyền thống gồm
3 dây của Nhật). Và ngày càng nhiều đội sử dụng trang phục truyền thống yukata, kimono. Bên cạnh
những đội đi theo phong cách rock, samba, gần đây ta có thể bắt gặp nhiều phong
cách hiện đại như hiphop, hula, flamenco. Có thể nói yosakoi đang ngày càng
phát triển và biến hóa đa dạng.
Ngoài lễ hội chính diễn ra vào
hai ngày 10 và 11 tháng 8, từ năm 1991 Lễ hội yosakoi có thêm Đêm tiền lễ hội.
Từ năm 1995 có thêm Đêm hậu lễ hội. Và từ năm 1999, Đại hội yosakoi toàn quốc
được tổ chức. Tại Đêm tiền lễ hội, đội vô địch năm trước đó sẽ biểu diễn đầu
tiên và tuyên bố khai mạc lễ hội. Tại Đêm hậu lễ hội, đội vô địch năm nay sẽ biểu
diễn bế mạc. Đại hội yosakoi toàn quốc được tổ chức với mục đích tăng cường
giao lưu, phổ biến yosakoi trên cả nước.
QUY TẮC LỄ HỘI:
Số người tham gia: Mỗi đội tham gia không quá 150 người. Số
lượng người không được quy định cụ thể, nhưng những trường hợp quá ít người sẽ
bị từ chối quyền tham gia.
Vũ đạo: Người nhảy phải cầm naruko và tiến lên phía trước. Không chấp nhận những
điệu nhảy trong đó các bước tiến ngắn và quá chậm, tiến lên lùi xuống hay xoay
tròn tại chỗ.
Nhạc điệu: Các đội có thể tự do sáng tạo, nhưng bắt buộc phải sử dụng một trích
đoạn nào đó trong bài "Yosakoi naruko odori".
Jikatasha: Mỗi đội chỉ được phép dùng 1 jikatasha với kích thước qui định.
Giải thưởng:
Cơ cấu giải thưởng hiện tại gồm
các giải sau đây:
-
Đêm tiền lễ hội (ngày 9 tháng 8)
-Grand
Prix
-Chuẩn
Grand Prix
-Giải đặc
biệt của ban giám khảo
-Giải
Dance
-Giải
Sound
-Giải
Fashion
(Trước
năm 2006 còn có Giải do thị trưởng thành phố Yonagoshi trao tặng)
-
Lễ hội chính (ngày 10 và 11 tháng 8)
-Giải vô địch
-Giải vàng
(3 giải)
-Giải bạc
(3 giải)
-Giải đặc
biệt của ban giám khảo (tối đa 3 giải)
-Giải khuyến
khích của ban quản lý sân khấu tranh tài (tối đa 9 giải)
-Giải khuyến
khích dành cho jikatasha của ban quản lý sân khấu tranh tài (3 giải)
-
Đêm hậu lễ hội (ngày 12 tháng 8)
-Giải
Takemasa Eisaku
-
Đại hội toàn quốc (12 tháng 8)
-Giải đội
xuất sắc nhất
-5 giải
dành cho các đội xuất sắc theo các tiêu chí khác nhau
-Giải
Paggy Hayama (tác giả của một trong những bài hát được sử dụng trong lễ hội)(※các đội diễn trong Đêm hậu lễ hội cũng trong
diện được xét giải)
Ngoài ra, tại Đêm tiền lễ hội, những đội đoạt
giải trong ngày lễ hội chính của năm trước (không kể giải khuyến khích dành cho jikatasha của ban quản lý sân khấu tranh tài) sẽ biểu diễn thứ tự theo hình thức bốc thăm. Tương tự, Đêm hậu lễ hội sẽ
là màn biểu diễn của các đội đoạt giải trong ngày lễ hội chính năm nay. Các
tiêu chí chấm giải của ban giám khảo gồm có: (1) Nhạc điệu, (2) Vũ đạo, (3) Cầm
naruko, các bước chân hướng lên phía trước (phải cầm và gõ naruko đúng cách),
(4) Trang phục, (5) Jikatasha, (6) Đánh giá tổng quan, chấm theo thang điểm 10
trên tổng 60 điểm tối đa. Có tổng cộng 10 giám khảo, vì thế điểm tối đa mà một
đội có thể nhận được là 600 điểm.
Trên các sân khấu biểu diễn, sân khấu tranh
tài cũng sẽ trao giải cá nhân. Tuy vậy, phần thưởng giá trị nhất đối với các odoriko
có lẽ chính là những tràng pháo tay nồng nhiệt của khán giả.
CÓ THỂ
BẠN CHƯA BIẾT:
“Seichou yosakoi naruko odori” (Seichou) là
phong cách dựng nhạc, vũ đạo mà lễ hội hướng đến từ khi ra đời. Đây là phong
cách yosakoi mà một số đội như Kouchishi-yakusho-odorikotai,
Hokkaidou-Kouchikenjinkai hay Kenchou-seichou-kurabu vẫn theo đuổi. Lễ hội ngày
nay mang nhiều biến thể phong phú, nhưng bên cạnh đó Seichou vẫn được chú trọng.
Lễ hội pháo hoa Nouryou luôn được tổ chức
trong thời gian diễn ra lễ hội yosakoi. Cho tới năm 2002, lễ hội pháo hoa diễn
ra tối ngày 9 tháng 8 - cùng ngày với Đêm tiền lễ hội yosakoi. Từ năm 2003, nó
được chuyển sang ngày 13 tháng 8, nhưng từ năm 2009 lại được chuyển về
ngày 9 tháng 8.
Điệu múa yosakoi (yosakoi odori) lần đầu
tiên được công diễn tại hội chợ công nghiệp Nankoku - Kochi vào năm 1950. Có thể
coi đây là tiền đề cho Lễ hội yosakoi.
Trước đây nhạc yosakoi do các nhạc công chơi
live, được gọi là Jikata. Còn ngày nay dẫn đầu mỗi đội múa là Jikatasha, với
các thiết bị âm thanh được chất lên thùng xe tải.
Lễ hội yosakoi được đăng cai tổ chức bởi một
hội gồm các quan chức đầu ngành thương mại, truyền thông, hành chính,.... của
Kochi. Trên thực tế, việc quản lý điều hành lễ hội do văn phòng sở công thương
Kochi nắm quyền, nhưng việc thực hiện lại do ban quản lý các sân khấu biểu diễn
đảm nhiệm. Hình thức quản lý này hơi khác thường, nhưng cũng chính nhờ sự tương
trợ giữa hai bên mà lễ hội luôn diễn ra suôn sẻ.
Theo thống kê khí tượng thì những ngày mưa
ít nhất ở Kochi trong tháng 8 là ngày mồng 4 và mồng 5. Vì thế nếu lấy tiêu chí thời
tiết để chọn ngày tổ chức thì Lễ hội yosakoi sẽ diễn ra từ ngày mồng 3 đến mồng 6
tháng 8.
(Bài viết được dịch từ http://www.yosakoi.com/
Nguồn ảnh: http://www.yosakoi.com/
*Vui lòng ghi rõ nguồn bài viết http://www.hanuyo.info/ khi trích dẫn*
Nhận xét
Đăng nhận xét